Chăn nuôi Bò H’Mông

Tình hình chung

Trong 4 năm (2010-2014) số lượng đàn bò của tỉnh Hà Giang liên tục tăng. Năm 2010, tổng đàn bò của Hà Giang đạt trên 101 nghìn con, năm 2014, tổng đàn đã đạt con số gần 106 nghìn con. Theo thống kê, số lượng bò thịt của Hà Giang năm 2014 là 106.091 con. Trong đó, số lượng bò của 4 huyện trên ước tính có thể đem vào giết mổ khoảng 40.000 con[8]. Trong đó, tổng đàn bò của 4 huyện vùng cao chiếm 3/4 tổng đàn của toàn tỉnh. Hết năm 2014, huyện Quản Bạ có tổng đàn bò trên 11.400 con; Đồng Văn gần 20 nghìn con; Yên Minh trên 20 nghìn con và huyện Mèo Vạc với tổng đàn trên 25 nghìn con[11]. Từ trước tới nay, người dân 4 huyện vùng cao chủ yếu sử dụng bò làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với sự ra đời của các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, người dân cũng đã chuyển dần việc nuôi bò từ mục đích lấy sức kéo sang chăn nuôi bò hàng hóa, nhằm phát triển kinh tế gia đình từ nhu cầu trao đổi thông thương.

Trên địa bàn 4 huyện vùng cao cũng đã hình thành các chợ gia súc như Chợ bò của huyện Mèo Vạc và huyện Đồng Văn. Chợ bò đã có từ lâu, nhưng khoảng 10 năm trở lại, chợ mới trở nên đông đúc và tấp lập. Mỗi phiên chợ, bình quân có từ 100 đến 120 con bò (chủ yếu là bò của người dân địa phương)[11], một phần được người dân đem đến chợ để trao đổi bò (giữa người dân với người dân) và phần nhiều được bán cho các thương lái đến từ các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, xe hàng được trở về xuôi, trở thành thịt bò thương phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường. Việc đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là nuôi bò theo hướng hàng hóa ở 4 huyện vùng cao đã trở thành hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tốc độ tăng trưởng đàn bò của 4 huyện vùng Cao nguyên đá đạt mức tăng trưởng từ 6-7%/năm, trong khi đó của toàn tỉnh Hà Giang chỉ đạt từ 3-4%[11]. Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi đang bộc lộ những hạn chế như phương thức nuôi còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân còn hạn chế. Giống bò vàng vùng cao Hà Giang đang có biểu hiện thoái hóa giống, có nguy cơ mai một do tập quán nuôi thả rông bầy đàn, giao phối tự do dẫn tới gia tăng tỷ lệ đàn bò bị đồng huyết, cận huyết. Sản xuất và lưu thông tiêu thụ thịt bò vùng cao còn mang tính tự nhiên, tự phát, những con bò giống tốt thường bị đem bán còn những con đực chất lượng giống kém được giữ lại dẫn tới tình trạng suy giảm chất lượng đàn bò thương phẩm.

Hiện nay, việc khai thác đàn bò vàng vùng cao của Hà Giang vẫn còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nên đã nảy sinh nhiều bất cập, không phát huy hết giá trị của giống bò vàng này. Số bò mang bán thường là những con đực có thể trạng to lớn, cho sản lượng thịt cao. Số còn lại kém hơn thì lại được để làm giống và tiêu thụ nội bộ. Việc bán hoặc giết thịt một số lượng lớn bò giống tốt đã gây suy thoái chất lượng đàn bò. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò chưa theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên sản lượng thịt hàng hóa chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng[7].

Tại địa phương

Cao nguyên đá Đồng Văn, thế mạnh chủ yếu vẫn là ngành chăn nuôi gia súc. Xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế nâng cao thu nhập của người dân thoát khỏi nghèo đói. Nhiều xã và hộ gia đình trên địa bàn huyện đã lựa chọn thế mạnh phát triển kinh tế là chăn nuôi gia súc, trong đó phải kể đến nghề chăn nuôi bò vỗ béo được nhiều hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Điển hình là xã Sủng Là, huyện Đồng Văn đã thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo cho 24 hộ dân thôn Đoàn Kết. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho mỗi hộ là 1,2 triệu đồng để mua cám, tiêm phòng vắc xin; ngoài ra còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật vỗ béo bò địa phương và các hộ dân được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò.

Việc chăn nuôi quan trọng là gia đình phải có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, có nguồn thức ăn dự trữ trong mùa đông giá buốt, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, nước uống đảm bảo; Thứ hai, nhân lực tuy không cần nhiều nhưng quan trọng nhất phải chú trọng chăm sóc, tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo định kỳ, tẩy giun sán, Thứ ba, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân cùng tham gia thực hiện phát triển đàn bò thành hàng hóa gắn trồng cỏ, tận dụng các nguồn thức ăn phụ tránh lãng phí để phụ vụ chăn nuôi và thứ tư, phải đầu tư chuồng trại tốt, bò được giá thì bán ngay và sử dụng nguồn vốn vay quay vòng một cách hiệu quả nhất.[16]

Tại Đồng Văn, chính quyền đã hỗ trợ tiền mua bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo. Một trong những cơ chế, chính sách đó là hỗ trợ tiền mua bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo chưa có bò nuôi. Chính sách hỗ trợ mua bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo của huyện Đồng Văn chính thức được triển khai thực hiện năm 2013 trên địa bàn 19 xã, thị trấn. Toàn xã có 90 hộ nghèo, cận nghèo nằm trong diện được hỗ trợ mua bò sinh sản; từ năm 2013 - 2014 có 46 hộ được hỗ trợ, năm 2015 này có thêm 44 hộ được hỗ trợ tiền mua bò sinh sản về nuôi[17]Mô hình duy trì và phát triển giống bò vàng địa phương tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn khẳng định giá trị kinh tế cũng như vai trò của giống bò vàng địa phương trong phát triển chăn nuôi của xã, của huyện đã đem lại cho các hộ chăn nuôi giống bò này và đề nghị có kế hoạch nhân rộng mô hình trên toàn huyện và các vùng lân cận[18].

Có dự án Cấp bò thuần giống H’Mông cho 16 hộ dân 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Tổng trị giá đàn bò cấp cho các hộ là 500 triệu đồng. Hộ được lựa chọn làm mô hình khuyến nông là hộ chăn nuôi có uy tín qua bình xét dân chủ. Dự án nhằm gây dựng giống bò có giá trị kinh tế ở 2 xã vùng đồng bào dân tộc Mông, từng bước giảm nghèo, tiến tới xây dựng vùng cung cấp sản phẩm hàng hóa tập trung, giống bò trên được nhập từ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng với nhiều ưu điểm nổi trội như không kén ăn, dễ chăm sóc, tỷ lệ thịt lớn (nếu chăm tốt, mỗi con có thể đạt trọng lượng 5 – 7 tạ), giá bán cao[19].

Tại vùng Hòa Bình đã Tổng kết mô hình chăn nuôi bò H’mông tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò triển khai từ tháng 8 và cấp bò thuần giống H’mông cho 18 hộ dân 2 xã Hang Kia và Pà Cò (Mai Châu), trong đó có 16 con cái sinh sản và hai con đực với tổng giá trị 500 triệu đồng. Qua quá trình thực hiện theo dõi đánh giá cho thấy giống bò H’mông dễ nuôi, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương nên bò phát triển tốt tăng trọng bình quân 3,5 – 4,5 kg/tháng. Mô hình mang lại hiệu quả nhất định, giúp dân tộc Mông từng bước giảm nghèo, tiến tới xây dựng vùng cung cấp sản phẩm hàng hóa tập trung.[20]

Chăn nuôi bò ở Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng người chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Kỹ thuật chăn nuôi chưa cao nên bò thường bị chết rét, chết bệnh hoặc gầy yếu, làm giảm giá trị của bò. Nông dân chưa có tổ chức, liên kết nên người chăn nuôi thường bị tư thương ép giá, dễ bị tổn thương bởi thị trường giá lên xuống thất thường. Dự án đã liên kết các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ tham gia vào các Nhóm sở thích để tạo thành hàng hóa, cung cấp thịt bò chất lượng cao cho các nhà hàng, siêu thị, khách sạn. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, Dự án còn hỗ trợ xây dựng, nâng cấp lò mổ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tham gia vào quá trình thu mua, giết mổ, phân phối thịt bò[14][15]

Bảo tồn

Đứng trước nguy cơ giống bò vàng của địa phương bị thoái hóa nguồn gen, Hà Giang đã ưu tiên nguồn kinh phí nhằm bảo tồn và phát triển giống bò vàng vùng cao Hà Giang thông qua việc nghiên cứu, tuyển chọn những con bò đực và bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại 4 huyện vùng cao nguyên đá để ghép đôi giao phối. Sử dụng bò đực giống đạt tiêu chuẩn cấp I, có tuổi đời từ 24 - 48 tháng tuổi để huấn luyện, khai thác sản xuất tinh đông lạnh phục vụ cho công tác bảo tồn và phối giống. Cung cấp cho 4 huyện cao nguyên đá gần 2.000 liều tinh đông lạnh của giống bò vàng vùng cao. Tỷ lệ thụ thai bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo cho đàn bò đạt trên 75% và những con bê sinh ra từ thụ tinh nhân tạo có trọng lượng trung bình từ 24 – 26 kg, cao hơn so với bê con được sinh sản tự nhiên 5 – 6 kg, cá biệt có bê con sinh ra từ thụ tinh nhân tạo đạt trọng lượng tới 32 kg[7].

Hướng phát triển

Khẳng định thương hiệu thịt bò H’Mông Cao Bằng đang là hướng phát triển. Thương hiệu thịt bò H’Mông Cao Bằng đã được nhiều người dân Việt Nam biết đến. Người dân đã có thể yên tâm phát triển chăn nuôi bò theo hướng xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Phát hiện những phẩm chất quý giá và tiềm năng kinh tế của thịt bò H’Mông, Một dự án phát triển kinh doanh với người nghèo tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ người H’Mông kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ bò cho người dân.

Để thịt bò H’Mông trở thành hàng hóa và có thương hiệu, phải đảm bảo quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đến giết mổ, kiểm dịch, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Từ đó, sản phẩm thịt bò H’Mông Cao Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sở hữu nhãn hiệu tập thể chính thức. Những ngày đầu khi mới xây dựng thương hiệu thịt bò H’Mông Cao Bằng, gặp nhiều khó khăn vì người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng hàng còn ít nên không đủ bán trong các siêu thị tại Hà Nội, chỉ bán chủ yếu vào các ngày cuối tuần, các dịp lễ tết nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Đến nay, thịt bò H’Mông Cao Bằng đã có mặt tại các hệ thống cơ sở các nhà hàng lớn ở thị trường Hà Nội. Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò H’Mông Cao Bằng đã ký hợp đồng đưa thịt bò H'Mông vào tiêu thụ tại Siêu thị Bic C Thăng Long - Hà Nội. Thịt bò H’Mông Cao Bằng sẽ có thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn. Hiện nay thịt bò H'Mông của Cao Bằng đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể & truy xuất nguồn gốc.. Thịt bò H’Mông Cao Bằng dần khẳng định thương hiệu. Hiện trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm thịt bò H’Mông Cao Bằng, đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng như: chất lượng, an toàn vệ sinh, giá cả.

Với mục đích đưa thịt bò Cao Bằng về thẳng các siêu thị, cửa hàng tại Hà Nội và các thành phố lớn thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp đã phát triển các vùng chăn nuôi bò phối hợp với các doanh nghiệp lớn tại Cao Bằng và Hà Nội tiến hành giết mổ tại Cao Bằng, sau đó đưa đi tiêu thụ. Tại Cao Bằng, có công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống lò mổ hiện đại rộng hơn 1 ha, trị giá gần 10 tỷ đồng, công suất 120 con bò và 150 con lợn/ngày, có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn. Với hệ thống quản lý chất lượng của Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp từ hộ nuôi đến tận siêu thị, người nông dân sẽ bán được bò giá cao hơn, còn người tiêu dùng có thể thưởng thức thịt bò chất lượng cao, sạch, dễ dàng kiểm tra độ tuổi, người tiêu dùng có thể tự truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm thịt...

Hiện nay, một con bò khoảng 500 kg có giá bán khoảng 23 triệu đồng, sau khi mổ cho khoảng 400 kg thịt giá thịt bò loại một tại thị trường Cao Bằng hiện vào khoảng 100.000đ/kg, rẻ hơn nhiều so với giá bán lẻ trên thị trường. Trong thời gian tới Hiệp Hội sẽ tiến hành mở rộng địa bàn nuôi bò H’Mông sang các tỉnh Bắc Cạn, Hà Giang, giúp người nông dân vùng cao phát triển kinh tế chăn nuôi ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống[4] Đồng thời Năm 2011 đã ra đời Hội chăn nuôi và tiêu thụ bò thịt (bò H’mông). Hội chăn nuôi và tiêu thụ thịt bò Cao Bằng là một tổ chức dân sự có nhiệm vụ chăn nuôi, thu gom, giết mổ, chế biến và phân phối thịt bò với giống bò H’mông. Sự kiện ra mặt hiệp hội là một bước ngoặt quan trong để khẳng định bước phát triển mới trong chăn nuôi bò tại Cao Bằng[21].

Cạnh tranh

Hiện nay trên thị trường, người dân Hà Giang phải bán bò sang Trung Quốc vì không có thương lái thu mua, trong khi Hà Nội bò Úc tràn lan. bò vàng Hà Giang mặc dù chất lượng rất tốt, sản lượng cao, thịt thơm ngon nhưng phải loay hoay tìm nơi tiêu thụ, nhất là sau khi quyết liệt xử phạt xe quá tải, các doanh nghiệp không lên thu mua bò vì chi phí đội lên, không có lời lãi. Cuối cùng người nông dân chịu trận bởi giống bò này nếu đến tuổi không bán đi sẽ suy giảm lượng thịt. Người dân phải bán bò cho Trung Quốc trong khi Hà Nội thì bò Úc tràn lan.

Mặc dù trước đó, bò còn được vận chuyển vào tận Đà Nẵng, Sài Gòn nhưng gặp khó khăn. Điều này đã buộc người dân phải bán bò cho thương lái Trung Quốc. Đáng nói hoạt động buôn bán này chỉ diễn ra theo con đường tiểu ngạch, nên nhiều nông dân bị mất trắng cả đàn bò. Như có một xã của huyện Mèo Vạc, dân dắt 4-5 con bò sang bán, bị tịch thu. Dọc tuyến biên giới có 274 km đường biên, với đường biên dài, cư dân sống rải rác nên việc xuất lậu gia súc là khó tránh khỏi đặc biệt là điều kiện vận chuyển, thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay còn hạn chế[8].

Số lượng đàn bò của Hà Giang hiện nay có thể làm hàng hóa được nhưng để tiêu thụ nó thì không hề dễ vì hiện nay lượng nhập ngoại thịt bò Úc rất lớn, giá thành lại cạnh tranh. Hiện tại bò Úc nhập vào Việt Nam với giá chỉ từ 2- 2,7USD/kg thịt hơi, khiến cho việc tiêu thụ bò trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Để cạnh tranh được, phải tạo thương hiệu riêng cho bò Hà Giang. Sản phẩm bò Hà Giang được chăn nuôi truyền thống, có giá trị dinh dưỡng cao tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào của Hà Giang đứng ra đầu tư, bao tiêu sản phẩm, kết nối được với những siêu thị, thị trường lớn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bò H’Mông http://channuoivietnam.com/hieu-qua-thu-thai-tinh-... http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/dong-... http://nutieudung.org/thit-bo-hmong-da-co-mat-tren... http://baocaobang.vn/Phongsuanh/68.bcb http://baohagiang.vn/kinh-te/201503/can-xay-dung-t... http://www.baohagiang.vn/chinh-sach-voi-cuoc-song/... http://baotintuc.vn/dan-toc/thit-bo-hmong-cao-bang... http://caobangtv.vn/tin-tuc-n7323/bao-lam-le-hoi-c... http://lehoi.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?sit... http://baohoabinh.com.vn/12/74437/Cap_bo_thuan_gio...